Top 17 trò chơi ôn bài cũ cho học sinh tiểu học thú vị nhất

Như chúng ta đã biết, các hoạt động vui chơi đối với lứa tuổi tiểu học là một yêu cầu hết sức cần thiết. Và đặc biệt cần thiết hơn khi các trò chơi được áp dụng vào các giờ học để giúp học sinh cảm thấy phấn khích và có tinh thần mỗi khi đến lớp. Mặt khác, trò chơi cũng có thể giúp học sinh ôn bài cũ rất hiệu quả nếu như giáo viên biết cách áp dụng một cách thích hợp. Hôm nay, các bạn hãy cùng VniTeach tìm hiểu về những trò chơi ôn bài cũ cho học sinh tiểu học thú vị nhất nhé

1. Trò chơi Ong đi tìm nhụy

Mục đích:

  • Rèn tính tập thể cho học sinh.
  • Giúp cho học sinh thuộc các bảng nhân, chia một cách dễ dàng.

Chuẩn bị:

  • 2 bông hoa 5 cánh, mỗi bông một màu, trên mỗi cánh hoa ghi các số (kết quả của phép chia hoặc phép nhân mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn), mặt sau gắn nam châm.
  • 10 chú Ong trên mình ghi các phép tính, mặt sau có gắn nam châm.

Cách chơi:

  • Giáo viên chọn 2 đội, mỗi đội gồm 4 em.
  • Giáo viên chia bảng làm 2 phần, gắn mỗi bên bảng một bông hoa và 5 chú Ong, ở bên dưới không theo trật tự.
  • Sau đó, giáo viên hãy giải thích luật chơi cho các em hiểu rằng: cô có 2 bông hoa trên những cánh hoa là các kết quả của phép tính, còn những chú Ong thì chở các phép tính đi tìm kết quả của mình. Và nhiệm vụ của các học sinh là giúp các chú ong tìm đúng kết quả của phép tính.
  • 2 đội xếp thành hàng và sau khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” thì lần lượt từng bạn lên nối các phép tính với các số thích hợp. Bạn thứ nhất nối xong phép tính đầu tiên, trao phấn cho bạn thứ 2 lên nối, cứ làm tiếp tục như vậy cho đến khi nối hết các phép tính. Trong vòng 1 phút, đội nào nối đúng và nhanh hơn thì sẽ là đội chiến thắng.

Lưu ý: Sau khi chơi xong, giáo viên chấm và hỏi thêm một số câu hỏi sau để khắc sâu bài học.

Trò chơi Ong đi tìm nhụy

2. Trò chơi Nghe đọc đoạn đoán tên bài

Mục đích:

  • Rèn kĩ năng đọc đúng, rõ ràng một đoạn văn trong bài đã học
  • Luyện kĩ năng nghe hiểu và nhớ tên các bài tập đọc đã học.

Chuẩn bị: Giáo viên yêu cầu học sinh ôn lại các bài tập đọc đã học ở môn Tiếng Việt nhằm phục vụ cho các tiết ôn tập.

Cách tiến hành:

  • Giáo viên sắp xếp học sinh và chia thành 2 nhóm tham gia chơi, ngồi đối diện nhau, cử nhóm trưởng điều hành chung cả nhóm, bốc thăm để chọn nhóm đọc trước.
  • Nhóm bốc được chọn đọc trước được mở sách giáo khoa để chọn đoạn đọc (trong một số bài tập đọc đã nêu ra), nhóm còn lại nghe để đoán tên bài tập đọc đã học. Sau khi đã đoán xong thì nhóm 2 lại thực hiện đọc đoạn văn đã chọn và nhóm 1 lại đoán tên bài tập đọc đã học, mỗi nhóm được thực hiện 3 lần đoán tên bài và đọc.
  • 2 nhóm tham gia chơi đều được tính điểm để so sánh khi trò chơi kết thúc, giáo viên sẽ chọn nhóm nào được nhiều điểm hơn nhóm đó sẽ thắng cuộc.

Lưu ý: khi đoán tên bài cả hai nhóm đều không được mở SGK, nhóm 2 có thể lấy nội dung của bài tập đọc mà nhóm 1 đọc nhưng cần chọn đoạn văn khác trong bài, đoạn văn nên ngắn gọn không quá dài.

Trò chơi Nghe đọc đoạn đoán tên bài

3. Trò chơi Thi thả thơ

Mục đích: Củng cố kiến thức hoặc thi đọc thuộc lòng thơ

Chuẩn bị: Giáo viên viết vào các phiếu câu thơ đầu (hoặc giữa) của mỗi khổ thơ, hoặc 2 – 3 từ đầu của mỗi câu thơ trong
các bài thơ cần học thuộc lòng.

Cách tiến hành:

  • Mỗi lượt chơi bao gồm 2 nhóm A và B có số người bằng số phiếu. Mỗi nhóm sẽ chọn ra một bạn làm nhóm trưởng để điều hành việc “thả thơ” của nhóm mình. Hai nhóm “Oẳn tù tì” để giành quyền thả thơ trước, giả sử nhóm A là nhóm thả thơ.
  • Mỗi học sinh trong nhóm chuẩn bị trong tay cầm một tờ phiếu (giữ kín), khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” từ phía giáo viên, nhóm A (nhóm thả thơ) cử một người đưa ra một tờ phiếu cho một bạn ở nhóm B. Bạn nhận phiếu phải đọc thuộc cả khổ thơ (hoặc cả câu thơ) có câu (từ) ghi trên phiếu; khi đọc đúng sẽ được tính 10 điểm. Học sinh thả phiếu. Giáo viên tính tổng số điểm của nhóm thuộc thơ.
  • Đổi nhóm “thả thơ” lúc này thì nhóm B và chơi tương tự như trên, sau đó giáo viên tính tổng số điểm của nhóm B.
  • Kết thúc trò chơi giáo viên nhận xét, tuyên dương tặng hoa điểm 10 cho nhóm nào thắng cuộc.
Trò chơi Thi thả thơ

4. Trò chơi Ô chữ kỳ diệu

Mục đích: Củng cố kiến thức cho các bài đã học ở một số môn như: khoa học, sức khỏe, đạo đức,…. Đồng thời rèn luyện sự nhanh nhạy trong tư duy và tăng tính phấn khởi trong học tập.

Cách tiến hành:

  • Giáo viên đưa ra một ô chữ gồm có 15 ô chữ hàng ngang và một ô chữ hàng dọc (cái này có thể thay đổi tùy giáo viên). Mỗi ô chữ hàng ngang là một nội dung kiến thức đã học và kèm theo lời gợi ý.
  • Mỗi nhóm tham gia chơi phải phất cờ để giành được quyền trả lời.
  • Nhóm nào trả lời nhanh và đúng thì sẽ ghi được 10 điểm.
  • Nhóm nào trả lời sai thì nhường quyền trả lời cho nhóm khác.
  • Nhóm nào tìm được từ hàng dọc ghi được 20 điểm.
  • Trò chơi sẽ kết thúc khi ô chữ hàng dọc được đoán ra.
  • Nhóm nào ghi được nhiều điểm nhất thì là nhóm thắng cuộc.
  • Giáo viên tổng kết điểm và khen ngợi hoặc có phần quà dành cho nhóm thắng cuộc.
Trò chơi Ô chữ kỳ diệu

5. Trò chơi: Xem ai nhớ nhất

Mục đích:

  • Giáo viên có thể vận dụng vào các bài ôn tập củng cố kiến thức đã học ở phân môn Luyện từ và câu.
  • Củng cố, khắc sâu kiến thức về tác dụng của dấu phẩy.
  • Rèn luyện khả năng tập trung, chú ý.
  • Rèn luyện các kĩ năng tư duy bậc cao như: phân tích- tổng hợp.

Chuẩn bị: Bộ bìa gồm 3 thẻ ghi các chữ A, B, C (mỗi thẻ tương ứng với 1 màu)tương ứng với các tác dụng của dấu phẩy:

  • A: Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
  • B: Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.
  • C : Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.
  • Một số thẻ từ ghi các câu học sinh cần phân tích

Cách chơi:

  • Giáo viên chia học sinh thành các đội chơi theo dãy bàn và phát cho mỗi học sinh một bộ thẻ chữ.
  • Khi giáo viên đọc và dán một thẻ ghi câu cần phân tích tác dụng của dấu phẩy lên bảng thì học sinh phải chọn một thẻ chữ tương ứng để giơ lên.
  • Sau mỗi một lượt chơi, giáo viên hoặc 1 học sinh được cử làm trọng tài sẽ đếm số người trả lời đúng ở mỗi đội.
  • Sau khi trò chơi kết thúc, giáo viên sẽ thống kê số học sinh làm đúng ở các lượt chơi. Đội thắng cuộc sẽ là đội có số người trả lời đúng nhiều nhất, đội đó thắng cuộc.
Trò chơi: Xem ai nhớ nhất

6. Trò chơi xì điện

Mục đích: Giúp học sinh thuộc nhân, chia trong bảng (đối tượng áp dụng cho học sinh lớp 3)

Thời gian chơi: 7 – 10 phút.

Luật chơi:

  • Giáo viên hãy chia lớp thành 2 đội để thi đua.
  • Giáo viên sẽ “châm ngòi” đầu tiên và đọc một phép tính chẳng hạn 5 x 9 rồi chỉ vào một em thuộc một trong 2 đội, em đó phải bật ngay ra kết quả.
  • Nếu kết quả đúng thì em đó có quyền “xì điện” một bạn thuộc đội đối phương. Em sẽ đọc bất kì phép tính nào, chẳng hạn như 50: 10 và chỉ vào một bạn (ở bên kia) bạn đó lập tức phải có ngay kết quả là 5, rồi lại “xì điện” trả lại đội ban đầu.
  • Cứ như vậy, giáo viên cùng 2 thư ký ghi kết quả của mỗi đội. Hết thời gian chơi đội nào có nhiều bạn đọc kết quả đúng thì sẽ là đội chiến thắng.

Lưu ý: Khi được quyền trả lời mà lúng túng không đọc ra ngay kết quả thì mất quyền trả lời và “xì điện”, giáo viên sẽ lại chỉ định một bạn khác bắt đầu.

Trò chơi xì điện

7. Trò chơi “Sai ở đâu? Sửa thế nào?”

Mục đích: Giúp các em ôn luyện những kiến thức đã được học một cách tốt nhất, đặc biệt là trong toán giải.

Chuẩn bị:
Giáo viên hãy chuẩn bị sẵn một số bài Toán có lời giải sai ở một vài bước trên bảng phụ (nên bố trí chỗ sai là những sai lầm mà học sinh thường mắc phải khi làm kiểu bài này).

Cách chơi:

  • Giáo viên đưa các bài toán có lời giải như đã nói ở trên lên bảng chính (tùy vào lúc thích hợp của tiết học)
  • Các đội chơi sẽ thảo luận trong vài phút phút để truy tìm ra chỗ sai của bài giải, đồng thời đưa ra phương án sửa sai.
  • Đội tìm ra và có phương án sửa sai nhanh nhất sẽ trình bày đáp án, nếu chưa đúng thì các đội sau có quyền xin trả lời, khi nào lời giải đã đúng thì khi đó trò chơi sẽ dừng lại.
  • Giáo viên yêu cầu những đội có câu trả lời đúng chỉ ra nguyên nhân sai lầm để từ đó nhấn mạnh nhằm giúp cả lớp rút kinh nghiệm.
  • Đội chiến thắng là đội tìm ra nhanh nhất những chỗ sai, chỉ ra nguyên nhân sai và sửa lại cho đúng.
Trò chơi “Sai ở đâu? Sửa thế nào?”

8. Trò chơi rèn từ môn Tiếng Anh

Mục đích: Kiểm tra nhanh mức độ hiểu từ mới của học sinh qua các bài học hiệu quả giúp trau dồi vốn từ mới nhanh chóng.

Chuẩn bị: Ít nhất có hai người chơi và nếu cần có một cuốn từ điển. Trên lớp giáo viên có thể chia lớp thành hai nhóm và chính giáo viên hoặc một học sinh làm trọng tài.

Cách chơi:

  • Giáo viên chia lớp thành các nhóm theo từng tổ khác nhauLấy một từ tiếng Anh bất kì (việc này giáo viên có thể
  • làm), ví dụ: yesterday. Dùng các con chữ tạo nên từ đó, cụ thể ở đây là: y, e, s, t, e, r, d, a, y để tạo ra những từ khác, ai tạo được nhiều từ hơn là thắng cuộc. Trong ví dụ trên ta có thể tạo được các từ như: yes, trader, year, steady – state, …
  • Học sinh phải cố gắng nhớ lại tất cả các từ trong đầu mình, vừa giúp đỡ quên từ lại có thể học thêm được từ mới trong số các từ mà người bạn chơi tạo ra.
  • Giáo viên suy nghĩ và tìm những từ có các chữ cái có thể thành lập được các từ khác nằm trong nội dung học sinh đã học hoặc để kiểm tra vốn từ của học sinh.
  • Nhóm chiến thắng sẽ là nhóm có số lượng từ nối tiếp liên tục nhiều nhất.
Trò chơi rèn từ môn Tiếng Anh

9. Trò chơi Guessing – word (Đoán chữ) môn Tiếng Anh

Mục đích: Kiểm tra độ nhớ từ của học sinh, bổ sung thêm từ mới cho các chủ đề khác nhau.

Chuẩn bị: Ít nhất có hai người chơi và nếu cần có một cuốn từ điển.

Cách chơi: Trò chơi này về cơ bản giống gameshow “Chiếc nón kì diệu” trên truyền hình.

  • Giáo viên hoặc một học sinh chọn một cái tên hoặc từ theo một chủ đề, sau đó vẽ số ô vuông tương ứng với số chữ cái của tên đó hoặc từ đó.
  • Từ gợi ý cho trước, người chơi sẽ đoán mỗi lần một chữ cái, nếu chữ cái đó có trong ô chữ thì giáo viên sẽ viết chữ cái ấy vào đúng vị trí.
  • Ai tìm ra tên thì người đó thắng.
  • Ngược lại sau 5 lần đoán sai (số lần là do giáo viên quy định) mà chưa tìm ra thì người chơi sẽ thua.
  • Có thể hai hay nhiều học sinh làm chủ trò thay nhau. Ai thắng nhiều lần thì sẽ thắng chung cuộc.
Trò chơi Guessing – word (Đoán chữ) môn Tiếng Anh

10. Trò chơi ai nhiều điểm nhất

Mục đích: Tăng kỹ năng tính nhẩm cho học sinh nhanh hơn và tìm được lỗi sai

Chuẩn bị:

  • 2 cây chậu cảnh có đánh số 1, 2
  • Một số bông hoa bằng giấy màu cứng, mặt trước màu trắng ghi các phép tính
  • Phấn màu
  • Đồng hồ theo dõi thời gian
  • Chọn 3 học sinh khá nhất lớp làm giám khảo và thư ký

Cách chơi:

  • Chia lớp làm 2 đội, khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” lần lượt từng đội cử người lên bốc hoa trên bàn giáo viên, người chơi có nhiệm vụ làm nhanh phép tính ghi trên bông hoa, sau đó cài bông hoa lên cây của đội mình.
  • Người này làm xong cài hoa lên cây thì lại đến lượt người khác. Cứ như vậy cho đến hết 2 phút.
  • Sau khi giáo viên hô hết giờ thì 2 đội mỗi đội cử 1 đại diện lên đọc lần lượt từng phép tính trên cây của mình đồng thời giơ cho cả lớp xem bông hoa đó.
  • Giám khảo đánh giá và thư ký ghi lại kết quả.

Lưu ý: Phép tính phải liên quan đến các bài tập trước đó

Trò chơi ai nhiều điểm nhất

11. Trò chơi: Truyền tin bắt chữ

Mục đích:

  • Rèn kỹ năng viết đúng một số từ có tiếng mang thanh hỏi hoặc thanh ngã, kết hợp củng cố và mở rộng vốn từ qua các bài tập chính tả âm, vần
  • Luyện phản xạ nhanh khi nhận biết chữ viết đúng hoặc sai chính tả (thanh hỏi/ thanh ngã).

Chuẩn bị:

  • Chia lớp thành 3 nhóm, mỗi nhóm cử 10 học sinh tham gia.
  • Bảng lớp ghi kết quả của nhóm.
  • Giáo viên làm trọng tài cùng các bạn còn lại.

Cách chơi:

  • Các nhóm tham gia cuộc chơi, nhóm này chơi xong thì đến nhóm khác.
  • Nhóm chơi đứng thành vòng tròn, trọng tài đứng giữa vòng tròn đó.
  • Đầu tiên trọng tài “châm nguồn tin” bằng cách đọc to một từ có tiếng mang thanh hỏi hoặc thanh ngã. rồi chỉ vào một học sinh bất kỳ, học sinh này phải hô “hỏi”, nếu từ đã xướng có thanh hỏi, hô “ngã” nếu từ đã xướng có thanh ngã.
  • Nếu học sinh hô đúng thì sẽ có quyền đọc lên 1 từ có thanh hỏi hoặc thanh ngã khác với từ trọng tài đã hô rồi chỉ định một bạn khác nói đúng từ mà mình đã hô.
  • Cứ như vậy cho đến khi tất cả học sinh ở vòng tròn đều được “tuyền tin” để hô từ thì nhóm mới dừng chơi, nhường lượt chơi cho nhóm khác.

Lưu ý: Người hô từ sau không được trùng với các từ của những người trước đã nêu.Trường hợp em nào hô thanh điệu hoặc từ sai thì phải đứng ra ngoài vòng và trọng tài sẽ là người “châm nguồn tin” tiếp theo. Các em ngoài vòng không được nhắc người chơi.

Trò chơi: Truyền tin bắt chữ

12. Trò chơi: Thi bắn pháo hoa

Mục đích:

  • Luyện viết đúng các từ chứa tiếng mang vần có cấu tạo gần giống nhau mà học sinh địa phương thường viết sai kết hợp mở rộng vốn từ có vần như vậy.
  • Luyện phải xạ nhanh khi đọc và viết những chữ có vần nói trên.

Chuẩn bị:

  • Cắt 20 bông hoa bằng giấy màu sáng, to khoảng bằng bàn tay người lớn,phía sau có chất dính để dính lên bảng, giữa mỗi bông hoa có ghi một từ có chứa một trong các vần đã nêu trên.
  • 10 bông hoa viết đúng vần của các từ
  • 10 bông hoa viết sai vần của các từ
  • Một dụng cụ dùng để phát ra tiếng kêu giả làm tiếng pháo nổ.
  • Hai hộp giấy, mỗi hộp dành cho một đội dùng để những bông hoa được coi là pháo hoa xịt.

Cách chơi và tính kết quả:

  • Chia đều cho mỗi đội 10 bông hoa (5 bông hoa có từ viết đúng, 5 bông hoa có từ viết sai).
  • Bắt thăm để xác định đội chơi trước.
  • Khi trọng tài hô “bắt đầu” và gõ một tiếng như bắn pháo hoa, học sinh giúp việc trọng tài đính 1 bông hoa lên bảng và đếm “một… hai… ba”.
  • Sau tiếng đếm, nếu thấy chữ trên bông hoa viết đúng thì đội chơi phải hô “pháo hoa nổ”, nếu thấy chữ trên bông hoa viết sai thì phải hô “pháo hoa xịt”.
  • Khi đội chơi hô “pháo hoa nổ” thì học sinh giúp việc trọng tài sẽ đính hoa lên phần bảng ghi kết quả chơi của đội, nếu đội chơi hô “pháo hoa xịt” thì học sinh giúp việc trọng tài bỏ bông hoa vào hộp giấy dành cho đội chơi để bàn.
  • Nếu sau ba tiếng đếm mà đội chơi không đưa ra được lời hô thì bông hoa đó cũng được bỏ vào hộp và coi là pháo hoa xịt.
  • Đội thứ nhất chơi xong thì đến đội thứ hai. Khi hai đội thi xong thì trọng tài tính kết quả, mỗi 1 bông hoa pháo nổ là từ viết đúng được tính 1 kết quả đúng.
  • Đội nào có nhiều kết quả đúng thì thắng cuộc.

Lưu ý: Khi chơi xong yêu cầu học sinh viết các từ đúng ghi trên bông hoa.

Trò chơi: Thi bắn pháo hoa

13. Trò chơi “Ai tinh mắt?”

Mục đích:

  • Giúp học sinh nhìn, nhận diện và phát hiện được các chữ cái, các tiếng có chứa các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng).
  • Phân biệt được chữ cái này với các chữ khác có nét gần giống; phân biệt được dấu thanh này với các dấu có nét gần giống.

Chuẩn bị: Cờ hiệu 3 cái. Bảng cài lớn 1 bảng. Bảng cài nhỏ 3 bảng. Thẻ chữ 24 thẻ. Chữ ghi (các chữ cái hoặc dấu thanh).

Cách chơi:

  • Chọn thẻ được ghi chữ cái (hoặc dấu thanh) giữa các thẻ mang chữ gần giống. Gắn được vào bảng cài của đội thẻ ghi chữ cái đó.
  • Khi lên tìm thẻ chữ, từng học sinh trong nhóm chơi, tay cầm cờ hiệu, chạy lên bảng cài lớn, chọn thẻ có ghi chữ cái đúng, cầm về gắn vào bảng cài của đội. Sau đó chuyển cờ hiệu cho người thứ hai. Người này thực hiện tiếp công việc. Cứ thế cho đến hết.
  • Đội nào xếp đủ, đúng, nhanh, đẹp 4 chữ vào bảng cài của đội là đội thắng cuộc.
Trò chơi “Ai tinh mắt?”

14. Trò chơi thi đọc tiếp sức

Mục đích: Rèn kĩ năng đọc đúng và nhanh bài Tập đọc, luyện tác phong nhanh nhẹn, tập trung chú ý để phối hợp nhịp nhàng giữa các bạn trong nhóm với nhau khi đọc thành tiếng từng câu nối tiếp.

Chuẩn bị: Một đồng hồ (bấm thời gian chơi) và một học sinh làm trọng tài

Chọn đội chơi:

  • Tổ chức chơi: Chọn 3 đội chơi, mỗi đội có 5 em lần lượt lên bảng đứng thành hàng ngang, quay mặt về phía các bạn; mỗi thành viên trong đội chơi cầm một quyển SGK đã mở sẵn (bài quy định sẽ đọc).
  • Khi nghe lệnh trọng tài hô “bắt đầu”, người số 1 (đầu hàng bên phải hoặc bên trái) phải đọc câu thứ nhất của bài một cách rõ ràng, chính xác và nhanh. Dứt tiếng cuối cùng của câu thứ nhất, người số 2 (cạnh vị trí của người số 1) mới được đọc tiếp câu thứ 2 …cứ như vậy cho đến người cuối cùng của nhóm; nếu chư chưa hết bài, câu tiếp theo lại đến người số 1 đọc – người số 2 đọc…cho đến hết bài thì dừng lại. Trọng tài tính thời gian và ghi số phút đọc xong toàn bài của từng nhóm.
  • Trọng tài cùng các nhóm theo dõi bạn đọc cùng nhận xét và tính điểm “thi tiếp sức” như sau: mỗi câu văn đọc chính xác, đúng quy định được 1 điểm.
  • Khi các nhóm đã đọc xong, trọng tài công bố kết quả về thời gian đọc và điểm số của từng nhóm. Nhóm nào được nhiều điểm nhất (ít hoặc không mắc lỗi) và có thời gian đọc ít nhất là nhóm đó giành phần thắng trong cuộc thi “đọc tiếp sức” theo sách.

Lưu ý:

  • Trong khi chơi, nếu người đọc câu trước lỡ đọc sang câu sau một vài tiếng rồi mới dừng lại thì người tiếp theo vẫn phải đọc lại từ đầu câu mà mình phải đọc, cả nhóm sẽ bị kéo dài thêm về mặt thời gian.
  • Trò chơi được sử dụng ở tất cả các tiết Tập đọc. Giáo viên có thể thay đổi các bài Tập đọc khác nhau để tổ chức trò chơi phù hợp với nội dung và đối tượng Học sinh.
Trò chơi thi đọc tiếp sức

15. Trò chơi: Bingo (Lô tô)

Mục đích: Củng cố, khắc sâu kiến thức, thu hút học sinh say mê học tập.

Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị đồ dùng.

Cách chơi: Chơi tựa như kiểu cờ ca rô.

  • Giáo viên sẽ kẻ trên bảng 16 hay 20 ô vuông, gồm 4 ô hàng dọc, 5 ô hàng ngang và giáo viên điền vào đó 20 số bất kỳ, trong 20 số đó sẽ có 20 câu hỏi tương ứng được định sẵn theo nội dung của bài học.
  • Giáo viên chia lớp thành 2 đội và quy định đội A đánh dấu X còn đội B đánh dấu O.
  • Đầu tiên mỗi đội sẽ cử 1 bạn làm nhóm trưởng đại diện chọn ô số, giáo viên sẽ đánh dấu bằng ký hiệu của đội đó vào ô đấy, đồng thời đọc câu hỏi được định sẵn trong mỗi ô cho đội kia trả lời.
  • Cuối cùng, đội nào chọn ô mà xếp được 3 ký hiệu của đội mình thẳng hàng thì hô thật to là Bingo.
  • Tặng một tràng pháo tay thật to chúc mừng đội thắng cuộc.
Trò chơi: Bingo (Lô tô)

16. Trò chơi Ném bóng

Mục đích: Củng cố kiến thức cho học sinh trong tiết học đạo đức.

Chuẩn bị: 1 quả bóng và 1 tổ trọng tải gồm ba em

Cách chơi:

  • Các nhóm đứng thành vòng tròn, bóng được truyền từ người này sang người khác một cách từ từ. Ai nhận được bóng phải hát ,đọc thơ ,kể chuyện về chủ đề cho cả lớp của mình nghe rõ.
  • Cứ như vậy cho đến khi mọi người trong nhóm đều được nhận bóng và hát Ai hát, múa, kể chuyện sai hoặc không hát, múa, kể chuyện được thì sẽ phải nhảy lò cò một vòng.
  • Giáo viên cùng trọng tài quan sát và điều chỉnh cho các nhóm hoạt động khẩn trương, đúng luật.
  • Giáo viên đánh giá chung cả lớp và riêng từng nhóm.
Trò chơi Ném bóng

17. Trò chơi tập tầm vong

Mục đích:

  • Rèn luyện, nhanh tay, tinh mắt.
  • Vui chơi, giải trí

Chuẩn bị:

  • Cho học sinh ngồi hoặc đứng vào nhau thành từng đôi một, 1 trong 2 em cầm một viên sỏi nhỏ hoặc viên bi hay mẫu tẩy, mẫu giấy co tròn.
  • Nếu cả lớp thì để học sinh ngồi nguyên vị trí cũ, còn cô thay viên sỏi bằng cái kẹo hay quả mận.

Cách chơi:

  • Cách 1: Giáo viên hô: “Chuẩn bị…bắt đầu” sau lệnh đó, học sinh cầm sỏi trong tay đưa ra sau lưng khéo léo nắm viên sỏi vào một trong hai tay rồi đưa hai tay về phía trước giả vờ như chuyển viên sỏi từ tay nọ sang tay kia đồng thời cả lớp hát bài Tập tầm vông.
  • Cách 2: Giáo viên cầm một cái kẹo giơ cao lên cho học sinh cả lớp nhìn thấy, sau đó giáo viên đưa sau lưng nắm vào một trong hai bàn tay rồi chuyển về phía trước cho học sinh hát bài Tập tầm vông. Giáo viên cho các em xung phong đoán.
  • Sau mỗi trò chơi giáo viên cần nhận xét và tuyên dương những bạn chơi tốt.
Trò chơi tập tầm vong

Trên đây là một số trò chơi ôn bài cũ mới lạ mang đến cho học sinh nhiều kiến thức mới cùng các hoạt động vui vẻ và ý nghĩa. Hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kinh nghiệm và có được những tiết học hay và ấn tượng nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *