Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo qua mạng Internet
Dịp gần Tết Dương lịch và Âm lịch là thời điểm giao dịch tiền tăng mạnh, vì thế các đối tượng lừa đảo cũng nhân cơ hội tấn công với đủ chiêu trò khác nhau nhằm lợi dụng lòng tin và sự bất cẩn của người dùng.
Bài viết này, VniTeach sẽ cung cấp một số chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo qua mạng hay sử dụng để chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:
1. Giả danh ngân hàng bằng tin nhắn định danh
Tin nhắn định danh được nhiều doanh nghiệp sử dụng, không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng. Hình thức nhắn tin này không hiển thị số điện thoại trên máy của người nhận mà hiện tên doanh nghiệp (đã đăng ký) dù người dùng không lưu số thuê bao đó trong danh bạ. Các đối tượng lừa đảo sử dụng tin nhắn định danh giả được đăng ký trùng với tên của các ngân hàng lớn trong nước, gửi SMS tới nạn nhân yêu cầu họ xác thực lại tài khoản trực tuyến tại nhà băng thông qua một đường link đính kèm. Nếu bấm vào đường link đó và làm theo hướng dẫn, nạn nhân sẽ bị tin tặc chiếm lấy tài khoản ngân hàng trực tuyến, đồng thời số tiền trong tài khoản sẽ bị đối tượng chuyển sang một tài khoản khác. Đây là biến tướng lừa đảo trực tuyến mới và nguy hiểm vì mạo danh ngân hàng, doanh nghiệp lớn, đánh vào tâm lý tin tưởng của người dùng để chiếm đoạt tiền.
2. Dùng Messenger để lừa tiền chuyển khoản
Messenger (thuộc Facebook) đang là một trong những nền tảng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam. Lừa đảo bằng tin nhắn Messenger không phải mới, nhưng hiện nay các đối tượng đã tinh vi hơn khi chuẩn bị sẵn các clip ngắn để bật khi gọi video qua ứng dụng này hòng tạo niềm tin của nạn nhân. Sau khi chiếm được tài khoản Facebook của người dùng, các đối tượng sử dụng Messenger nhắn tin tới bạn bè, người thân của họ để vay tiền. Chúng sẵn sàng bật các video đã chuẩn bị trước trong khoảng 4-5 giây rồi tắt ngay với lý do đang đi đường để nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền. Đặc biệt, các video này được lấy từ những nội dung do chính chủ tài khoản Facebook đăng lên mạng xã hội được các đối tượng cắt ghép, chỉnh sửa tinh vi và để chất lượng hình ảnh kém, chỉ đủ để nạn nhân nhận ra mặt.Người dùng nên cảnh giác trước hình thức lừa đảo này và tuyệt đối không tin tưởng các cuộc gọi video với thời gian ngắn chỉ nhằm mục đích tạo niềm tin. Cách tốt nhất hãy gọi trực tiếp vào số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác minh trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào để tránh mất tiền oan.
3. Mạo danh cơ quan pháp luật, cơ quan nhà nước
Đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,… thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.
4. Kết bạn trên mạng xã hội rồi hứa hẹn tặng quà
Các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản mạng xã hội với ảnh đại diện lịch lãm, đăng tải về cuộc sống xa xỉ, giàu có rồi kết bạn với “con mồi”. Sau thời gian dài trò chuyện, làm quen và tạo lòng tin, chúng bắt đầu hứa hẹn yêu đương và hứa tặng quà giá trị cao gửi từ nước ngoài. Khi nạn nhân “sập bẫy”, chúng sẽ cho người giả danh nhân viên vận chuyển, hải quan, thuế,… gọi điện yêu cầu họ đóng các khoản phí để nhận quà và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp rồi chiếm đoạt.
5. Thông báo trúng thưởng, quà tặng
Cận Tết Âm lịch, giao dịch mua sắm rất nhiều nên các đối tượng cũng lợi dụng tình hình này để giả danh các thương hiệu thông báo tới “con mồi” rằng họ đã trúng thưởng những phần quà đặc biệt khi mua sản phẩm, sau đó gửi SMS hoặc email kèm đường link hướng dẫn nhận phần thưởng, lừa nạn nhân đăng nhập thông tin cá nhân cũng như mã OTP (mật khẩu dùng một lần) gửi từ ngân hàng để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nạn nhân. Đáng chú ý, các website được chúng tạo ra luôn lấy giao diện của tổ chức, doanh nghiệp lớn nhằm tăng độ tin cậy, khiến nạn nhân lơ là, một số còn mạo danh website ngân hàng, website nhận ngoại hối (như PayPal)…
6. Cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền vào tài khoản
Các đối tượng sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến cho “con mồi”. Sau đó chúng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ với “con mồi”. Lúc này chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ.
Để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn khi giao dịch ngân hàng, VniTeach khuyến cáo người dùng cần LƯU Ý các vấn đề sau:
1. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
2. Chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của ngân hàng đang sử dụng, có thể liên hệ với tổng đài ngân hàng để lấy thông tin trang chính thức.
3. Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.
4. Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web.
5. Đặt mật khẩu khó đoán, thực hiện thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi nghi ngờ bị lộ. Không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến và mật khẩu thư điện tử hoặc mật khẩu đăng nhập vào các mạng xã hội.
6. Đăng ký nhận thông báo thay đổi số dư giao dịch.
7. Đăng ký sử dụng phương thức xác thực Smart OTP khi giao dịch trực tuyến.
8. Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể cả của người thân, bạn bè. Cần gọi điện trực tiếp để xác nhận.
9. Nếu nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì cần làm theo các bước sau: Không sử dụng số tiền ấy, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.